Hành trình thơ ca của Tố Hữu tương đương với hành trình cách mạng. Mỗi sự kiện lịch sử trọng đại luôn là nguồn cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu. Để hiểu rõ hơn phong cách nghệ thuật của Tố Hữu mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của scottbenefield.com nhé.
I. Tiểu sử nhà thơ Tố Hữu
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành (1920 – 2002) quê ông ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Được lớn lên trong nhà nho nghèo có truyền thống văn chương thế nên ngay từ nhỏ Tố Hữu đã được tiếp cận với văn học.
Ông được biết đến là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam đồng thời là một chính trị gia. Tố Hữu đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
II. Phong cách nghệ thuật của Tố Hữu
1. Con đường thơ của Tố Hữu
Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng nên các chặng đường thơ cũng song hành với các giai đoạn của cuộc đấu tranh ấy đồng thời thể hiện sự vận động trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu đã sáng tác được nhiều tập thơ, bài thơ tiêu biểu trong sự nghiệp của mình, trong đó phải kể đến: Từ ấy (bao gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích và Giải phóng), tập thơ Việt Bắc,…
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cách mạng bước vào một giai đoạn mới với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất đất nước. Thơ Tố Hữu vẫn bám sát những bước đi và nhiệm vụ của cách mạng, của đời sống chính trị trên đất nước ta.
Thơ Tố Hữu những năm chống Mĩ cứu nước mang đậm tính chính luận và cảm hứng sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng hùng ca, tập trung thể hiện hình tượng cao đẹp về Tổ quốc và con người Việt Nam.
2. Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu
Về nội dung, thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị rất sâu sắc. Hồn thơ ông luôn hướng tới cái Ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc. Cái Tôi trữ tình trong thơ ông là cái Tôi chiến sĩ nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc với lí tưởng sống là dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc, phấn đấu vì cuộc sống tươi đẹp của đất nước. Thơ ông không đi sâu vào cuộc sống, tình cảm riêng tư mà tập trung thể hiện những tình cảm lớn, phổ biến, tiêu biểu của con người cách mạng như tình yêu lý tưởng, yêu kính lãnh tụ, tình đồng bào đồng chí, tình cảm quốc tế vô sản. Niềm vui trong thơ ông không nhỏ bé tầm thường mà là niềm vui lớn, sôi nổi, rực rỡ, hân hoan đặc biệt là những vần thơ về chiến thắng.
Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi. Thơ thường thể hiện những sự kiện chính trị lớn của đất nước, luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và tính chất toàn dân; cảm hứng chủ đạo trong thơ là cảm hứng lịch sử – dân tộc và vấn đề vận mệnh cộng đồng. Nhân vật trữ tình thường mang phẩm chất tiêu biểu cho dân tộc, mang tầm vóc lịch sử thời đại.
Giọng thơ đậm chất tâm tình tự nhiên, đằm thắm chân thành.
Nghệ thuật biểu hiện trong thơ Tố Hữu mang tính dân tộc rất đậm đà. Về thể thơ, Tố Hữu rất thành công khi vận dụng những thể thơ truyền thống của dân tộc. Về ngôn ngữ, Tố Hữu thường sử dụng những từ ngữ và cách nói quen thuộc với dân tộc, phát huy cao độ tính nhạc phong phú của tiếng Việt, sử dụng tài tình từ láy, các thanh điệu, các vần thơ.
Tố Hữu là nhà thơ của lý tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Tố Hữu là một chiến sĩ – thi sĩ, làm thơ trước hết là phải phục vụ sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng của Đảng. Trong thơ Tố Hữu từ trước đến sau, dù đề tài, nội dung cảm hứng có đa dạng đến đâu thì vẫn nhất quán ở chỗ lấy lý tưởng cách mạng, quan điểm chính trị làm hệ quy chiếu cách nhìn nhận và xúc cảm về mọi phương diện, mọi hiện tượng của đời sống, kể cả đời sống riêng tư của chính nhà thơ. Với Tố Hữu, “tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người, viết về các vấn đề lớn hay về một sự việc nhỏ (…) là để nói cho được cái lý tưởng cộng sản ấy thôi” (Chế Lan Viên).
Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị. Mọi sự kiện, vấn đề lớn của đời sống cách mạng, lý tưởng chính trị, những tình cảm chính trị thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự. Tố Hữu là nhà thơ của lẽ sống lớn, của những tình cảm lớn, niềm vui lớn của cách mạng và con người cách mạng. Đặc biệt ở những bước ngoặt trong đời sống cách mạng của dân tộc, hồn thơ Tố Hữu thường nhạy bén và dào dạt cảm hứng, kết tinh trong những bài thơ đặc sắc, được sự đồng cảm và hưởng ứng rộng rãi của đông đảo công chúng.
III. Tác phẩm và giải thưởng tiêu biểu của Tố Hữu
1. Tác phẩm tiêu biểu
- Từ ấy (1937 – 1946), 72 bài thơ
- Việt Bắc (1947 – 1954), 26 bài thơ
- Gió lộng (1955 – 1961), 25 bài thơ
- Ra trận (1962 – 1971), 35 bài thơ
- Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973)
- Máu và Hoa (1972 – 1977), 13 bài thơ
- Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981)
- Một tiếng đờn (1978 – 1992), 74 bài thơ
- Ta với ta (1992 – 1999)
- Nhớ lại một thời (hồi ký, 2000)
- Một khúc ca xuân (thơ, 1977)
2. Giải thưởng
- Giải nhất Giải thưởng Văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955 (tập thơ Việt Bắc).
- Giải thưởng Văn học ASEAN của Thái Lan năm 1996 cho tập thơ Một tiếng đờn.
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (đợt 1, 1996).
- Huân chương Sao Vàng (1994).
- Nhiều giải thưởng, danh hiệu khác…
IV. Kết luận
Qua bài viết trên chắc hẳn bạn đọc đã nắm được phong cách nghệ thuật của Tố Hữu. Với Tố Hữu, thơ chính là vũ khí đấu tranh cách mạng. Đó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca. Hy vọng bài viết chuyên mục nghệ thuật chia sẻ hữu ích với độc giả.